Doanh nghiệp: Giải pháp công nghệ nội lên ngôi nhờ Covid-19

Khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chuyên gia nước ngoài khó sang Việt Nam, các giải pháp từ chính doanh nghiệp nội nổi lên là sự thay thế sáng giá.

Ngoài ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế của riêng từng quốc gia, đại dịch còn tạo ra vách ngăn “vô hình” giữa các nước, khi các biên giới đóng cửa, du lịch hạn chế. Không chỉ ngành du lịch gặp khó, nhiều doanh nghiệp còn bị “nhỡ” các kế hoạch lớn liên quan đến đối tác nước ngoài, đặc biệt với những bên phụ thuộc vào công nghệ ngoại.





Một phòng làm việc tại FPT Software mùa dịch năm 2020. Ảnh: Thủy Minh.

Một phòng làm việc tại FPT Software mùa dịch năm 2020. Ảnh: Thủy Minh.

Hiện tượng nghẽn giao dịch trên sàn HoSE là một ví dụ. Số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường tăng đột biến trong những tháng gần đây, đẩy thanh khoản, số lượng lệnh vượt quá khả năng xử lý của hệ thống. Đây là nguyên nhân trực tiếp, còn sâu xa là do sự chậm trễ trong việc triển khai hệ thống giao dịch mới.

“Nếu không có đại dịch, hệ thống giao dịch mới KRX của đối tác Hàn Quốc đã được hoàn thành trong năm 2020”, lãnh đạo Sở HoSE cho biết. Tuy nhiên, đại dịch xảy ra khiến việc triển khai gặp vấn đề, nguyên nhân lớn nhất là các chuyên gia từ Hàn Quốc không thể sang Việt Nam để hoàn tất các bước cuối cùng trong giai đoạn dịch diễn biến phức tạp. Để giải quyết vấn đề này, giải pháp tình thế là sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong nước, cụ thể là từ FPT, để xây dựng một hệ thống tạm thời trong lúc chờ hệ thống KRX xong.

Trong lĩnh vực ngân hàng, vốn là một ngành trước nay vẫn chuộng “hàng ngoại”, sự chuyển dịch cũng xảy ra khi doanh nghiệp nội bắt đầu có thể chen chân vào trong lĩnh vực này. Hai nhà băng trong top 5 thị trường cùng triển khai hệ thống công nghệ cho mảng bán buôn trong năm ngoái. Nhưng chỉ có một ngân hàng vận hành trơn tru vì họ chọn đối tác trong nước. Ngân hàng còn lại đang “kẹt” vì các cam kết với chuyên gia, đối tác ngoại chưa thực hiện được vì vướng Covid-19.

“Một lý do đơn giản là doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hỗ trợ tốt hơn trong đại dịch, với đội ngũ chuyên gia luôn sẵn sàng”, ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT (FIS), nhận xét.

Chính lợi thế “sân nhà”, với sự sẵn sàng của các nhân sự trình độ không thua kém các đối thủ nước ngoài, theo các chuyên gia, là nguyên nhân để ngành công nghệ “vượt khó” trong năm đầu Covid-19.

Tại một sự kiện về công nghệ số cuối năm 2020, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sau một năm, đã có trên 13.000 doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam ra đời, tăng đến 28%, đưa cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số đất nước lên trên 58.000.

Con số này là “kỷ lục”. Các doanh nghiệp sẽ không được lập ồ ạt nếu như thị trường không tăng trưởng, những người chủ doanh nghiệp không nhìn thấy cơ hội. Cơ hội trong trường hợp này là sự nổi lên của các “giải pháp nội” trong năm Covid-19.

Một báo cáo đầu tháng 3 của BSC đánh giá, Covid-19 là đòn bẩy đẩy nhanh xu hướng chuyển đổi số, quá khứ cũng cho thấy các đợt khủng hoảng lại là cơ hội để ngành công nghệ phát triển (ví dụ: khủng hoảng 2YK). Theo Market Data Forecast, thị trường chuyển đổi số toàn cầu dự kiến tăng trưởng 16% mỗi năm so với mức tăng trưởng chung 4% của ngành IT.

Nhóm phân tích cho rằng, chính dịch bệnh đã làm thay đổi hành vi khách hàng trong việc đầu tư công nghệ, tăng nhu cầu với việc tối ưu hóa chi phí, tối ưu hệ thống vận hành khi hoạt động kinh doanh bị gián đoạn. Theo khảo sát của McKinsey, Covid-19 đã khiến tỷ trọng tương tác số hóa của khách hàng tăng vọt bằng ba năm trước cộng lại. Và điều này là cơ hội cho những doanh nghiệp công nghệ trong nước.

Như FPT, doanh thu hợp đồng ký mới năm 2020 tăng 23%, tăng mạnh trong hai quý cuối năm. Trong đó số lượng khách quy mô 500.000 USD tăng 19%, khách hàng 1 triệu USD tăng 8%. Tổng doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin trong năm 2020 đạt trên 16.800 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm 2019.

Không riêng các chỉ tiêu kinh doanh, số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng kỷ lục, nhu cầu nhân sự ngành IT tăng vọt gần đây cũng phần nào phản ánh bức tranh chung của thị trường.

Tại Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), bản tin tuyển dụng đã ghi nhận nhu cầu tuyển mới của một số thành viên. Ví dụ Misa tuyển thêm hàng loạt nhân viên kinh doanh, TMA tuyển thêm 200 kỹ sư công nghệ thông tin làm việc tại Bình Định.

Công ty giải pháp nhân sự Adecco Việt Nam cho biết, với xu hướng thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, nhu cầu tuyển dụng một số vị trí trong ngành công nghệ thông tin đang tăng lên đáng kể. Hiện tại, ba vị trí tuyển dụng được đánh giá “hot” nhất là giám đốc công nghệ (CTO), kỹ sư dữ liệu (Data Engineer) và kỹ sư cơ sở hạ tầng (Infrastructure Manager).

Trong đó, vị trí giám đốc công nghệ (CTO) và giám đốc công nghệ thông tin (CIO) có trên 5 năm kinh nghiệm có thể nhận mức lương 250-400 triệu đồng mỗi tháng tại TP HCM và 120-250 triệu đồng tại Hà Nội. Một số vị trí khác trong lĩnh vực công nghệ có thể nhận thu nhập từ 80 đến 160 triệu đồng.

“Hiện giờ là kỷ nguyên bùng nổ cho các chuyên gia IT có năng lực, những người có kỹ năng giao tiếp tốt, kỹ năng ngôn ngữ và dễ thích ứng xu hướng công nghệ toàn cầu mới”, Adecco Việt Nam đánh giá.

Minh Sơn

XEM THÊM:  Thông tin về Công Ty TNHH Tm MTV Hòa Phát mới nhất

Viết một bình luận

';
error: Thông báo: Nội dung được bảo vệ bởi DMCA !!