Doanh nghiệp: Hành trình bán lẻ xà đơn xuyên biên giới của CEO 8x

Mày mò bán buôn xà đơn trên sàn thương mại điện tử Trung Quốc hơn một năm không hiệu quả, Lê Nguyễn Khánh Trình chuyển hướng chinh phục thị trường Mỹ.

Thất bại trên sàn Alibaba

10 năm trước, xà đơn xếp được Lê Nguyễn Khánh Trình ra mắt thị trường Việt Nam với mục đích mang đến cho những người muốn tập xà đơn một sản phẩm chất lượng và tiện lợi phù hợp với không gian sống nơi đô thị. Khánh Trình cũng có ý định sẽ bán sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Anh nhận thấy xà đơn không phải là môn thể thao phổ biến nên nếu chỉ bán trong nước, thị trường tương đối nhỏ hẹp. Nếu nhiều người làm, cạnh tranh tăng lên, việc kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bởi vậy, CEO 8x dành nhiều tâm sức trong khâu thiết kế, để sản phẩm khác biệt với tất cả kiểu dáng trên thị trường quốc tế vào thời điểm đó. Khánh Trình muốn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm tại nhiều quốc gia. “Đến giờ, tôi vẫn thấy nhận định của mình là đúng”, Trình nói.

Sau vài năm bán online và phân phối qua các đại lý tại các thành phố lớn của Việt Nam, năm 2015 Khánh Trình tìm đường xuất khẩu xà đơn ra nước ngoài. Bước đi đầu tiên của anh là bán buôn qua sàn thương mại điện tử Alibaba. “Tôi chọn Alibaba vì tư duy: xuất khẩu hàng dễ nhất là bán buôn cho các thương hiệu lớn nước ngoài”, anh nói.

XEM THÊM:  Thông tin: Công Ty TNHH Thiết Kế Và Thi Công Nội Thất Tân Kỷ Nguyên mới nhất




Sản phẩm xà đơn Việt trên sàn thương mại điện tử Amazon.

Sản phẩm xà đơn Việt trên sàn thương mại điện tử Amazon. Ảnh chụp màn hình.

Trình cho rằng, chỉ cần tạo tài khoản trên sàn, giới thiệu chi tiết về sản phẩm và chờ khách hàng liên hệ mua hàng, doanh nghiệp sẽ có các đơn hàng bán buôn xuất khẩu.

Song thực tế thị trường không đơn giản như anh nghĩ.

Nhiều khách hàng nước ngoài bày tỏ sự quan tâm đến sản phẩm, nhưng chỉ coi hãng xà đơn Việt như các nhà sản xuất không tên tuổi. Họ đặt vấn đề muốn mua sản phẩm của Khánh Trình và gắn thương hiệu của riêng họ để bán.

“Điều duy nhất họ quan tâm là giá, không phải thiết kế sản phẩm hay chất lượng sản phẩm nên sau bao nhiêu lần báo giá chúng tôi vẫn không có được đơn hàng. Trên sàn Alibaba, dù xà đơn Khánh Trình có thiết kế khác biệt đi chăng nữa cũng không mang lại lợi thế gì hơn so với các nhà sản xuất Trung Quốc vì họ có giá sản xuất và chi phí vận chuyển tốt hơn”, Trình kể.

Anh chi không ít tiền để tuyển dụng các nhân viên kinh doanh trong và ngoài nước nhằm chào mời các nhà phân phối nước ngoài, nhưng vẫn thất bại. Hơn một năm sau, anh quyết định chuyển từ mô hình B2B sang B2C, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và tập trung vào chất lượng sản phẩm để bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng cuối.

Thách thức trên sàn thương mại lớn nhất thế giới

Đầu năm 2017, Khánh Trình tiếp cận thị trường Mỹ bằng kênh bán lẻ trực tiếp thông qua website riêng và sàn thương mại điện tử Amazon. Mẫu xà đơn KT1.1520 với kích thước lớn hơn cũng được thiết kế để phù hợp với hình thể của người phương Tây: cao to, khỏe và nặng cân hơn người Việt.

Thời điểm này, bán hàng trên Amazon vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Những doanh nhân như Khánh Trình phải tự học, mày mò vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từ cách tối ưu hóa tin đăng và quảng cáo, đến xử lý các vấn đề với khách hàng, với Amazon và các đơn vị làm hàng nhái, hàng giả… Ngoài tuyển dụng nhân sự người Việt anh cũng thuê thêm các cộng tác viên người Mỹ, Ấn, Anh, Pakistan, Đức, Pháp… vì sự chuyên nghiệp, nhanh chóng, hiệu quả về chi phí.

Ngoài ra, thời gian đầu, Khánh Trình cũng đối mặt với khó khăn về logistics. Chi phí vận chuyển sản phẩm lẻ từ Việt Nam sang Mỹ rất cao làm hạn chế sức mua, giảm doanh thu và lợi nhuận. Về sau, anh giải được bài toán này bằng cách hợp tác với các kho hàng chuyên nghiệp tại Mỹ, chuyển hàng với số lượng lớn sang đó và giảm được đáng kể chi phí vận chuyển cùng giá bán.

Đưa sản phẩm lên Amazon, Khánh Trình thực hiện quảng cáo trên chính nền tảng này. “Tương tự cách thức quảng cáo trên các nền tảng như Facebook, Google, nếu không nghiên cứu cách tối ưu hóa sẽ ‘đốt’ tiền mà không mang lại hiệu quả”, anh Trình nói.

Theo Phạm Mơ – nhân viên chăm sóc khách hàng của Công ty Khánh Trình, rào cản ngôn ngữ không là vấn đề lớn, bởi tiếng Anh đã trở nên thông dụng. Cái khó là làm sao nắm bắt được tâm lý người mua. Đội ngũ chăm sóc khách hàng phải tùy từng trường hợp cụ thể để tư vấn hoặc xử lý các sự cố một cách khéo léo. “Bán hàng xuyên lục địa nghĩa là có rất nhiều điều xảy ra trên chặng đường vận chuyển hàng nghìn kilomet, đặc biệt với sản phẩm của chúng tôi là hàng nặng”, chị Mơ cho biết.





CEO Lê Nguyễn Khánh Trình.

CEO Lê Nguyễn Khánh Trình. Ảnh: Hà Trương.

Một thách thức khác mà doanh nghiệp xà đơn xếp Việt phải đối mặt, cũng là thứ văn hóa tạo nên “đế chế Amazon”. Với chính sách “khách hàng luôn đúng”, nền tảng cho phép người mua trả lại hàng hóa trong vòng 30 ngày bất kể lý do, và người bán phải chịu hoàn toàn chi phí vận chuyển hàng trả lại.

Người mua được Amazon bảo vệ 100% bằng công cụ A-to-Z guarantee: nếu không hài lòng về người bán hoặc sản phẩm nhận được, khách hàng có thể nộp yêu cầu lên Amazon để lấy lại 100% tiền hàng. Nhiều người mua tận dụng chính sách này của Amazon để yêu cầu người bán giảm giá sâu cho họ.

“Vì sản phẩm của chúng tôi khá nặng, chi phí vận chuyển trở lại kho cao, dễ xảy ra hư hỏng hàng hóa khi trả lại, nên nhiều người mua lợi dụng đặc điểm này để yêu cầu hoàn tiền”, đại diện doanh nghiệp cho biết. Nhiều trường hợp dù sản phẩm nhận lại không còn nguyên vẹn, doanh nghiệp vẫn phải chi trả toàn bộ chi phí cho người mua.

Bên cạnh đó, một số khách trả lại hàng với lý do “không còn nhu cầu” (no longer need). Khi hàng nhận về trầy xước do người mua đã sử dụng sản phẩm, doanh nghiệp thu lệ phí hoàn kho (restocking fee) từ số tiền đã thanh toán của khách hàng thì bị khách đánh giá 1 sao.

Song theo CEO Khánh Trình, những trường hợp khách hàng như vậy chỉ là thiểu số. Rất nhiều người mua hàng quốc tế đã truyền cảm hứng cho anh tiếp tục phát triển sản phẩm và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu của mình.

Kiên nhẫn tìm kiếm cơ hội

Hơn 4 năm đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới, nhiều tình huống bán hàng “dở khóc dở cười” mà doanh nhân sinh năm 1984 thu nhận được cũng chính là những trải nghiệm đáng giá.

Ban đầu, dù chưa biết cách quảng cáo trên Amazon, doanh nghiệp Việt vẫn bán được hàng vì không ít khách hàng đã truyền tai nhau về chất lượng sản phẩm xà đơn Việt Nam. “Nhiều người chia sẻ với tôi, họ đã mất nhiều năm để tìm loại xà đơn giống như thế này, nên khi thấy chúng tôi bán và mua được hàng thì họ rất vui. Rồi họ phấn khích tự chia sẻ thông tin về sản phẩm của chúng tôi cho bạn bè, người thân của họ”, Trình nói.

Anh liên hệ với những khách hàng phản hồi tích cực, hỏi lý do họ yêu thích sản phẩm của mình và tập trung quảng cáo vào những đặc điểm đó. Anh cũng tìm cách định vị thương hiệu, học cách chạy quảng cáo và tối ưu hóa trên Amazon, từ đó tăng dần lượng bán.

Bán hàng trên Amazon, Khánh Trình tiếp cận được với hàng triệu khách hàng tiềm năng tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Doanh số bán hàng của anh tăng trung bình 200% mỗi năm, trong năm 2020 tăng đến 500%.

Sản phẩm thu hút sự quan tâm không nhỏ của người tiêu dùng Mỹ, trong số đó có nhiều huấn luyện viên, vận động viên thể hình có tầm ảnh hưởng. Mới đây, Shark Kevin Harrington, nhà đầu tư nổi tiếng từ chương trình Shark Tank của Mỹ cũng quảng bá sản phẩm xà đơn xếp Khánh Trình đến người tiêu dùng Mỹ và thế giới trên kênh truyền thông “As seen on TV”.





Người dùng sử dụng xà đơn Khánh Trình để tập luyện yoga bay. Ảnh cắt từ video.

Người dùng sử dụng xà đơn Khánh Trình để tập luyện yoga bay. Ảnh cắt từ video

Theo Lê Nguyễn Khánh Trình, năm 2020 là năm khó khăn với nhiều ngành nghề khác, nhưng ngành sản xuất và cung cấp dụng cụ thể thao tại nhà lại có sự tăng trưởng vượt bậc về doanh số. Người dân phải cách ly ở nhà, đầu tư mua sắm các thiết bị thể thao để chăm sóc sức khỏe phòng chống dịch bệnh, nên doanh số xà đơn Khánh Trình cũng vì thế tăng gấp 5 lần so với năm 2019.

Doanh nghiệp đạt được mục tiêu mở rộng sản xuất và thương hiệu Khánh Trình được người tiêu dùng Mỹ và toàn cầu biết tới nhiều hơn.

Ngoài những con số biết nói, niềm vui của vị doanh nhân trẻ còn là góp phần nâng cao sức khỏe, thay đổi thể hình và cuộc sống của người dùng theo hướng tốt đẹp hơn cũng như lan tỏa những giá trị sống tích cực tới khách hàng trên toàn thế giới.

Trong thời gian đầu bùng phát Covid-19, thời gian vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ mất đến gần hai tháng trong khi nhu cầu mua hàng tăng đột biến. Có thời điểm kho bên Mỹ trống hàng. Để công bằng, Khánh Trình chủ trương nguyên tắc “ai đặt hàng trước sẽ giao hàng trước”.

Một phụ nữ Mỹ đặt mua xà đơn xếp Khánh Trình làm quà tặng sinh nhật cho cậu con trai vị thành niên đang mắc bệnh ung thư. Khi người mẹ chia sẻ là đây món quà mà cậu bé đang rất mong chờ trong ngày sinh nhật vào tuần tới. Có nhiều khách hàng đã đặt hàng trước, song công ty Khánh Trình phá lệ, ưu tiên gửi hàng cho cậu bé khi chỉ còn vài bộ trong kho.

“Lẽ ra, gia đình cậu bé phải chờ đợi hơn một tháng đến khi chuyến hàng tiếp theo cập bến, nhưng chúng tôi quyết định gửi hàng ngay cho cậu bằng dịch vụ chuyển phát nhanh thay vì chuyển phát thông thường và không thu thêm phí. Món quà đến tay cậu bé vào đúng ngày sinh nhật, trong niềm hạnh phúc của cậu và sự cảm động vợ chồng vị khách”, đại diện doanh nghiệp cho biết.

Ngoài Mỹ, Khánh Trình có kế hoạch mở rộng sang các thị trường khác như Canada, Mexico, EU, Hàn Quốc, Nga… song song với kế hoạch đưa hàng hóa vào các siêu thị lớn như Costco, Walmart cũng như phát triển mạng lưới nhà bán lẻ dưới hình thức Drop Shipping.

Hà Trương

Viết một bình luận

';
error: Thông báo: Nội dung được bảo vệ bởi DMCA !!